Móng dễ gãy không chỉ gây giảm tính thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ đầu ngón tay, ngón chân. Ngoài ra, đây cũng có thể là triệu chứng thường gặp của một số bệnh lý. Cùng tìm hiểu về các nguyên nhân khiến móng dễ gãy qua bài viết sau nhé!
1Thế nào là móng dễ gãy?
Móng được cấu tạo nhờ sự liên kết chặt chẽ của các phân tử keratin (một dạng protein). Khi các liên kết này bị phá vỡ hoặc có sự sụt giảm chất lượng protein trong cơ thể, móng sẽ trở nên dễ gãy.
Móng dễ gãy là thuật ngữ nhằm miêu tả các biểu hiện như bề mặt móng bị bào mòn, sứt mẻ, bị tách đôi hoặc rỗ móng. Thời gian để hồi phục và phát triển một bộ móng khỏe mạnh sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.[1]
Móng dễ gãy là hiện tượng bề mặt móng bị bào mòn, sứt mẻ, bị tách đôi hoặc rỗ móng
2Nguyên nhân làm móng dễ gãy
Nguyên nhân khiến móng dễ gãy thường rất đa dạng từ yếu tố môi trường đến những biến đổi bên trong cơ thể:[2][3][4]
- Độ ẩm của môi trường: trời quá khô, độ ẩm giảm trong những tháng mùa đông có thể là nguyên nhân khiến móng cứng, giòn và dễ gãy.
- Hóa chất: cấu trúc của móng dễ bị khô, nứt nẻ khi thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp như nước tẩy rửa, nước rửa bát hoặc nước tẩy sơn móng tay…
- Tuổi tác: chất lượng và khả năng liên kết của các phân tử keratin trong móng sẽ ngày càng giảm theo thời gian do sự lão hóa của cơ thể.
- Thiếu máu: tình trạng giảm hồng cầu, huyết sắc tố ở bệnh nhân thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu thiếu sắt khiến lượng oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho móng không được cung cấp đầy đủ dẫn đến móng yếu, dễ gãy.
- Bệnh tuyến giáp: bất kỳ sự biến đổi hormone tuyến giáp trong bệnh suy giáp hoặc cường giáp đều gây ra rối loạn quá trình trao đổi chất và làm giảm chất lượng móng.
- Nấm móng hoặc bệnh vảy nến: đây là bệnh lý tại móng thường gặp có thể khiến móng yếu, rỗ móng, móng dễ gãy và thay đổi màu sắc móng.
- Suy dinh dưỡng: có thể do ăn uống kém hoặc các bệnh lý tiêu hóa gây giảm hấp thu protein khiến móng mỏng, yếu, dễ bị nứt nẻ…
- Hội chứng Raynaud: gây ra sự biến đổi màu sắc và nhiệt độ móng theo từng cơn từ lạnh trắng, lạnh tím đến nóng đỏ. Hiện tượng này khiến dòng máu đến nuôi dưỡng móng không được liên tục dẫn đến móng dễ gãy.
Hội chứng Raynaud có thể dẫn đến móng dễ gãy
3Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cho thấy cần gặp bác sĩ
Đa số các trường hợp móng dễ gãy có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm nếu có những dấu hiệu sau:[3]
- Thay đổi màu sắc móng.
- Sưng đau cạnh móng.
- Có các biểu hiện của hội chứng Raynaud như biến đổi màu sắc móng từ trắng, tím sang đỏ.
- Móng rỗ, có hình ảnh vết dầu loang trên móng trong bệnh vảy nến.
- Sưng ngón tay, phù chân do suy dinh dưỡng.
Móng dễ gãy kèm theo thay đổi màu sắc là dấu hiệu cần đến khám bác sĩ sớm
Địa chỉ khám chữa bệnh da liễu uy tín
Nếu nghi ngờ triệu chứng móng gãy do các bệnh lý gây ra, người bệnh nên đến khám tại các bệnh viện và phòng khám da liễu ở địa phương hoặc tham khảo một số địa chỉ sau:
- Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da liễu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy…
- Hà Nội: Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108…
4Điều trị tình trạng móng dễ gãy
Chăm sóc móng dễ gãy
Phương pháp điều trị móng dễ gãy hiệu quả nhất là có được quy trình chăm sóc và bảo vệ móng hợp lý, bao gồm:[4]
- Thường xuyên cắt móng, tránh để móng quá dài.
- Đeo găng tay trước khi tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp để tránh làm tổn thương móng.
- Cân nhắc sử dụng các chất làm chắc móng.
- Hạn chế sử dụng acetone để tẩy màu sơn móng.
- Bổ sung các dưỡng chất cần thiết tốt cho móng.
Đeo găng tay khi tiếp xúc với hóa chất là điều quan trọng đối với người bệnh móng dễ gãy
Móng dễ gãy nên bổ sung chất gì?
Để móng chắc khỏe, giảm tình trạng gãy móng thì việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết là điều quan trọng. Bạn có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau:[5]
- Trứng: do chứa hàm lượng cao sắt, selen, vitamin C, vitamin D và biotin… nên ăn từ 2 - 3 quả trứng/tuần có thể cải thiện chất lượng móng.
- Hải sản: việc ăn đa dạng và đầy đủ các loại cá thu, cá hồi, tôm, cua… có thể cung cấp omega - 3, collagen và keratin giúp móng chắc khỏe.
- Các loại rau xanh: giúp bổ sung nhiều loại vitamin và chất xơ có lợi cho cơ thể nhằm tăng cường sức đề kháng toàn thân cũng như làm dày và khỏe móng.
- Các loại hạt: như hạnh nhân, hạt điều, óc chó… giúp cung cấp nhiều chất béo có lợi giúp bảo vệ và làm giảm gãy móng.
Người bệnh móng dễ gãy nên ăn nhiều loại hải sản giúp chắc khỏe móng
5Cách chăm sóc móng khỏe mạnh tránh móng giòn, dễ gãy
Để giúp móng chắc khỏe, tránh giòn và dễ gãy thì bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh móng thường xuyên, tránh móng bị nứt nẻ, đổi màu.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày để cung cấp độ ẩm cho da và móng.
- Làm mềm và ẩm móng trước khi cắt móng.
- Từ bỏ thói quen cắn móng tay để tránh móng khô, nứt nẻ.
- Ăn uống đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất giúp móng chắc khỏe.
- Thực hiện giảm cân khoa học, tránh các chế độ ăn kiêng tiêu cực có thể gây thiếu chất, suy dinh dưỡng.
Dưỡng ẩm da, ẩm móng có thể ngăn ngừa khô móng, gãy móng
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về các nguyên nhân dẫn đến móng dễ gãy. Hãy chia sẻ bài viết này đến với tất cả bạn bè và người thân xung quanh bạn nhé!