Ở trẻ nhỏ, các bệnh lý về móng tay, móng chân như móng bị nứt nẻ, mọc ngược, viêm,... rất phổ biến. Trong đó, tình trạng trẻ hay bị gãy móng tay có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe của bé.
1. Sự phát triển móng tay, móng chân của trẻ
Thông thường, mỗi ngày móng tay mọc được khoảng 1/10 mm. Móc chân có tốc độ mọc bằng 1⁄3 hoặc 1⁄2 tốc độ mọc của móng tay. Nếu mắc bệnh, tốc độ lưu thông máu tới tay và chân sẽ chậm đi, làm chậm sự phát triển của móng.
2. Vì sao trẻ hay bị gãy móng tay?
Trẻ em bị hư móng tay không phải là tình trạng hiếm gặp. Vậy tại sao hay bị gãy móng tay? Nếu móng tay của bé mềm, dễ uốn cong móng, trông rất mỏng và dễ gãy thì có thể là do 2 nguyên nhân sau:
2.1 Trẻ đang bị thiếu vitamin A, vitamin B6, vitamin C và vitamin D
Lúc này, cha mẹ nên thay đổi khẩu phần ăn của trẻ để giúp móng tay của bé khỏe và tăng cường sức đề kháng cho bé. Cụ thể, phụ huynh nên cho trẻ ăn đa dạng các loại trái cây, các loại rau màu xanh đậm, có lá mềm và ít gân. Đồng thời, khi chế biến rau cho bé, cha mẹ nên nấu canh hoặc hấp, luộc thay vì vào bởi phương pháp xào sẽ khiến thực phẩm mất chất, khiến trẻ khó hấp thu vi chất.
Để cung cấp đầy đủ vitamin D cho trẻ, phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng mỗi ngày vào thời điểm trời dịu mát, kết hợp với việc tăng cường ăn các thực phẩm có hàm lượng vitamin D cao như trứng, rau xanh,...
2.2 Trẻ thường xuyên tiếp xúc với hóa chất
Tình trạng móng tay của trẻ dễ gãy có thể là do bé thường xuyên tiếp xúc với nước, xà phòng mạnh hoặc các loại hóa chất. Để ngăn chặn vấn đề này thì cha mẹ có thể bôi kem dưỡng da tay cho bé, đồng thời hạn chế trẻ đùa nghịch, tiếp xúc quá nhiều với nước, xà phòng,...
3. Một số vấn đề thường gặp khác trên móng tay của trẻ
Trẻ hay bị gãy móng tay chỉ là một vấn đề nhỏ. Còn có nhiều dấu hiệu sức khỏe khác có thể biểu hiện thông qua móng tay của bé mà cha mẹ nên lưu tâm:
Vết trắng nhỏ trên móng: Thường xuất hiện sau khi trẻ bị thương nhẹ ở móng tay. Vết trắng nhỏ này có thể kéo dài trong nhiều tuần tới nhiều tháng và thường tự biến mất;
Móng tay chuyển màu đen sau chấn thương: Màu đen hoặc tím đen trên móng tay của bé sau chấn thương thường là do máu tụ dưới móng tay và tình trạng này sẽ biến mất khi vết thương lành lại;
Dưới móng tay có màu đen, màu nâu hoặc màu tím mà không do chấn thương: Có thể là u hắc tố;
Móng tay có nhiều đường kẻ sọc mảnh, màu sáng, đều: Có thể do trẻ bị thiếu vi chất sắt và kẽm. Lúc này, cha mẹ nên thay đổi khẩu phần ăn cho trẻ, ưu tiên các thực phẩm giàu sắt và kẽm;
Da xung quanh móng tróc lở, có thể bị sưng, ửng đỏ: Do trẻ thiếu vitamin B3 hoặc kẽm, tryptophan. Lời khuyên cho cha mẹ là nên bổ sung thực phẩm giàu các vi chất trên vào chế độ ăn của bé;
Móng mọc ngược: Thường là do cắt móng không đúng cách, đi giày chật (với móng chân) hoặc do di truyền. Móng mọc ngược có thể đâm vào các vùng da xung quanh, gây đau, sưng, thậm chí nhiễm trùng. Trường hợp hiếm, có thể bị mưng mủ, ổ áp xe dưới móng tay;
Móng có phần sáng, phần tối, đầu móng thâm đen còn đáy móng đục đồng màu: Là dấu hiệu cảnh báo có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Cha mẹ quan sát thể trạng của bé, nếu trẻ gầy yếu, biếng ăn, da xanh tái thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng;
Móng bị bứt khỏi nền móng: Móng sẽ mọc lại rất chậm, khoảng 6 tháng (móng tay) hay 18 tháng (móng chân);
Nhiễm nấm móng tay.
4. Bí quyết chăm sóc móng tay cho trẻ
Để tránh tình trạng trẻ hay bị gãy móng tay, nhiễm nấm, tróc da,... cha mẹ cần chú ý chăm sóc móng cho trẻ đúng cách như sau:
Lựa chọn thời điểm cắt móng tay cho bé: Thời điểm cắt móng tay cho trẻ tốt là sau khi tắm vì lúc này móng tay mềm, dễ cắt hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cắt móng cho trẻ khi bé ngủ say vì lúc này tay của trẻ sẽ thả lỏng hoàn toàn;
Giữ tay trẻ thật chặt khi cắt móng: Khi cắt móng, nên giữ tay trẻ thật chặt để tránh làm trẻ bị thương. Nếu cạnh móng nhọn hoặc quá dài, phụ huynh hãy dùng dũa nhỏ để làm bằng phẳng;
Tránh cắn móng tay trẻ: Một số cha mẹ thường dùng phương pháp cắn móng tay cho trẻ thay vì cắt bằng ghim bấm. Tuy nhiên, việc này không được khuyến khích vì sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn từ miệng đi vào vết đứt nhỏ trên tay của trẻ mà có thể cha mẹ không để ý, dễ khiến trẻ bị ốm hoặc nhiễm trùng.
Các vấn đề về móng tay của trẻ không nguy hiểm nhưng có thể khiến bé khó chịu. Trẻ hay bị gãy móng tay cũng cảnh báo nguy cơ bé bị thiếu chất hoặc thói quen sinh hoạt chưa phù hợp. Vì vậy, nếu trẻ gặp vấn đề này, cha mẹ cần quan sát kỹ tình trạng sức khỏe của bé, đồng thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống để giúp bé luôn khỏe mạnh.