NSƯT Bằng Thái, 72 tuổi, bị biến chứng tiểu đường gây hoại tử cả bàn chân phải, được bác sĩ phẫu thuật cắt chi bảo tồn tối đa khả năng đi lại.
NSƯT Bằng Thái, nguyên Giám đốc nhà hát kịch Quảng Ninh, anh trai của ca sĩ Bằng Kiều, mắc bệnh tiểu đường hơn 10 năm nay. Bệnh tiến triển nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm. Hai năm qua ông mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân nhanh, tinh thần sa sút, gần như chỉ nằm trên giường, ít vận động, không tiếp xúc bên ngoài. Biến chứng động mạch ngoại biên gây tê bì, nhức mỏi và các cơn đau mạn tính kéo dài khiến ông Thái mất ngủ thường xuyên. Vết loét hoại tử bắt đầu ở móng chân, lan tới ngón chân rồi cả bàn chân.
Khoảng 3 tháng nay, chân phải người bệnh xuất hiện vết loét hoại tử. Vết loét bắt đầu ở móng chân rồi lan tới ngón chân. Bác sĩ một bệnh viện đã cắt một ngón chân nhưng vết thương lâu liền, dấu hiệu hoại tử lại xuất hiện trở lại và ngày càng lan rộng. “Khả năng tôi phải tiếp tục cắt cụt toàn bộ cẳng chân nhưng không chắc vết thương đã liền - người bệnh thuật lại theo lời tư vấn của bác sĩ gần nhà”. Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám trong tình trạng đường huyết cao, bàn chân hoại tử đen và có mùi thối.
Ngày 22/4, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, cho biết người bệnh lớn tuổi nên mạch máu xoắn, xơ vữa và vôi hóa nhiều, lại nhập viện khi bệnh đến giai đoạn muộn gây hoại tử ngoại biên và nhiễm trùng tới tận xương. Nếu không can thiệp tái thông mạch tốt, nguy cơ sau nhiễm trùng cao, khó liền sẹo.
Nhóm các bác sĩ đa chuyên khoa đã hội chẩn để tìm phương pháp tối ưu để điều trị cho bệnh nhân. Bác sĩ chăm sóc bàn chân đã cắt lọc vết thương ngăn ngừa hoại tử tiến triển, sau đó bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp đặt stent tái tưới máu cho chân phải. Bác sĩ chấn thương chỉnh hình cắt cụt nửa bàn chân phải để loại bỏ hoại tử.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết các bác sĩ cố gắng bảo tồn tối đa chân cho bệnh nhân. Sau khi chân được tái tưới máu, người bệnh không cần thiết cắt chi trên khớp gối mà chỉ cần cắt nửa bàn chân. Thay vì dùng chân giả hay xe lăn, bệnh nhân có thể di chuyển bằng chính đôi chân của mình với sự trợ giúp của gậy.
Sau phẫu thuật, ông Thái bớt đau nhiều, ngủ được trọn giấc sau nhiều năm, nhờ đó bệnh tiểu đường cũng được kiểm soát tốt. Ông tiếp tục điều trị tiểu đường, đồng thời bác sĩ tâm lý hỗ trợ ông vượt qua trầm cảm do bệnh tật.
“Hai năm qua tôi gần như không giao lưu với ai do chán nản, đau đớn, nhưng bây giờ tôi thoải mái hơn rất nhiều, nhận ra bản thân đã quá chủ quan với bệnh tật”, ông Thái nói.
Ông Thái có thói quen hút thuốc lá và uống nước ngọt có gas tới 3-4 lon/ngày. Đây đều là những “khắc tinh” của bệnh tiểu đường. Khi xuất viện trở về nhà, để duy trì đường huyết tốt và ngăn ngừa bệnh động mạch tái phát, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bỏ hút thuốc lá và các loại nước ngọt có gas, giữ ẩm cho đôi chân để tránh những vết loét khởi phát. Nên ăn vừa phải chất đường bột, đủ đạm, xơ, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường đề kháng chống lại bệnh tật.
Nhiễm trùng hoại tử phải cắt chi là một trong những tổn thương nặng nhất của bệnh tiểu đường. Nhiều bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng thần kinh ngoại vi mất cảm giác, những triệu chứng lâm sàng của bệnh lý bàn chân lu mờ nên khi phát hiện thì nhiễm trùng đã nặng. Vì vậy, việc quan tâm khám sàng lọc các trường hợp có yếu tố nguy cơ là cần thiết, đặc biệt là nhóm người cao tuổi.
NSƯT Nguyễn Bằng Thái khởi nghiệp là diễn viên rồi tham gia sáng tác, đạo diễn, đồng thời đảm nhiệm công tác quản lý, tổ chức biểu diễn. Ông cống hiến hàng chục năm cho nghệ thuật, có khoảng 20 tác phẩm đứng tên.
Link nội dung: https://lichtot.edu.vn/tu-vi-ban-chan-a38608.html