Trước hai tác phẩm điện ảnh này của Pablo Larraín đã có vô số bộ phim, cuốn sách nói về Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy và Công nương Diana. Nỗ lực tái hiện cuộc đời của họ lên phim đã khiến không ít đạo diễn và diễn viên tài danh phải “ngã ngựa”.
Bộ phim tiểu sử Diana (2013) của đạo diễn người Đức Oliver Hirschbiegel và ngôi sao Naomi Watss từng nhận chỉ trích của giới phê bình vì sến hóa câu chuyện tình scandal của Công nương hai năm cuối đời.
Thoát khỏi khuôn mẫu của dòng phim tiểu sử khi cố làm giống nguyên mẫu hay tham vọng tái hiện cả cuộc đời của nhân vật nổi chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, Pablo Larraín lựa chọn cách làm nhiều thử thách hơn.
Ông chỉ chọn một vài khoảnh khắc quan trọng, thậm chí chỉ vài ngày ngắn ngủi để tái hiện chân dung của họ. Vị đạo diễn đã dẫn dắt người xem khám phá những trạng thái tâm trí đầy rối loạn của nhân vật.
Đây là cách làm phim tiểu sử đầy mạo hiểm, nặng tính hư cấu và dễ gây tranh cãi. Không phải ngẫu nhiên mà tagline của bộ phim Spencer là “A fable from a true tragedy” (một giai thoại/ngụ ngôn từ một bi kịch có thật). Pablo chủ ý rõ ràng, rằng đây là một bộ phim tiểu sử nặng tính hư cấu và thể hiện cái nhìn chủ quan của đạo diễn hơn là một bộ phim bám sát vào các sự kiện có thật.
Sự chủ ý của vị đạo diễn đến từ Chile còn được thể hiện rõ ràng ở nhan đề cả hai bộ phim. Ông đều chọn tên riêng của nhân vật thay vì tên đầy đủ được cả thế giới biết đến. Đơn giản, cả hai bộ phim này đều muốn đề cao danh tính và con người cá nhân, thay vì là Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ hay Công nương của nước Anh - những danh phận như chiếc lồng son nhốt chặt cuộc đời.
Link nội dung: https://lichtot.edu.vn/loi-rang-bac-menh-cung-la-loi-chung-a38654.html