Đốt vàng mã lâu nay được coi như một thói quen, nét văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều gia đình đã từ bỏ thói quen này. Nguyên nhân xuất phát từ việc đây được cho không phải nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta và gây ô nhiễm môi trường, lãng phí của cải, tiền bạc.
Trong bài viết Nên bỏ tục đốt vàng mã, nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Xuân Cần chỉ ra rằng trong sách "Việt Nam phong tục" của cụ Phan Kế Bính chỉ nhắc về tục thắp hương, không viết gì về đốt vàng mã, còn trong các sách vở cũng nói rằng đốt vàng mã có nguồn gốc xa xưa ở Trung Quốc, sau đó mới lan đến các nước Đông Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nhiều năm nay cũng khuyến cáo không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
"Chúng ta cần suy xét lại phong tục này ít nhất với hai vấn đề sau: Thứ nhất, như đã nêu ở trên, đây vốn không phải là một phong tục có nguồn gốc ở Việt Nam. Từ xa xưa cha ông chúng ta không đốt vàng mã và cũng đã từng nhìn nhận không nên đốt vàng mã. Thứ hai, đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Ở các đô thị lớn, khi cuộc sống chung cư ngày càng phổ biến thì đốt vàng mã trở thành vấn nạn vào mỗi dịp đầu tháng, ngày rằm, lễ Tết… Ngoài ra đốt vàng mã là một tục lệ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn", ông Cần phân tích dựa trên hai luận điểm chính và cho rằng nên sớm bỏ thói quen đốt vàng mã trong các dịp lễ Tết.
Sau khi nội dung trên được đăng tải, nhiều độc giả Dân trí bày tỏ sự ủng hộ với nhà nghiên cứu lịch sử này. Bình luận dưới bài viết, độc giả Van Hoan Do viết: "Tôi cũng đồng tình với bài viết này. Đốt vàng mã gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và là nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài ra, hủ tục rải vàng mã khi đưa ma rất phản cảm với người tham gia giao thông, đề nghị cơ quan chức năng nên xem xét đưa vào luật cấm đốt vàng mã".
Có chung cảm nhận và góc nhìn với ông Phạm Xuân Cần, người dùng có nickname Jacky Tran chia sẻ: "Thực ra đạo Phật không có tục lệ đốt vàng mã, mà đốt vàng mã thực chất là một phong tục truyền thống tại Trung Quốc và được một sư thầy bên đó mang sang Việt Nam. Dần dần nó trở thành thói quen, nhiều người cứ tưởng như vậy mới là phù hợp theo đạo Phật nhưng thực ra thì không phải. Cá nhân tôi cũng ủng hộ bỏ đốt vàng mã, vừa không có giá trị về tâm linh vừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường".
Trong khi đó, người dùng Đô Nguyễn lựa chọn một câu chuyện tiếu lâm để đưa ra góc nhìn hóm hỉnh về vấn đề. Độc giả này viết: "Bữa trước tôi nằm mơ thấy ông bà, các cụ bảo: "Chúng mày là bọn tâm linh nửa mùa, nói "Trần sao, âm vậy" mà gửi thứ có thứ không, rốt cuộc chả xài được thứ gì. Đốt xe thì sao không đốt cây xăng, đốt nhà sao không đốt điện nước, wifi? Dưới này chúng tao đi mây về gió, rồi lo làm thủ tục đầu thai kiếp khác, rảnh đâu mà ngồi nhận rác của chúng mày?". Tỉnh dậy tôi thấy các cụ nói đúng quá, thế là bỏ luôn chuyện hóa vàng, chỉ tổ làm giàu cho người khác còn mình thì bị mắng oan!".
"Xét về mặt tâm linh thì chỉ có 1 số thứ đốt xuống thì người âm mới nhận được, nhưng hiện nay các nhà làm mã họ tự làm ra các đồ vật giống trên dương thế nhằm mục đích kinh doanh mà thôi!", độc giả Hải Nam Triệu nêu ý kiến.
Cũng lên án sự lãng phí trong việc đốt vàng mã ngày nay, chủ tài khoản Kế Toán TLQ viết: "Nhiều nhà đốt kinh quá, tốn cả hàng chục triệu đồng để mua vàng mã đốt, thật sự điều đó chả có ý nghĩa gì hết. Đốt để cho có cái lễ, nhớ đến ngày giỗ người đã khuất thì chỉ nên đốt 1 bộ đồ vàng mã là được rồi, nhiều người làm quá, đốt ai hưởng đâu?".
"Đúng là đốt vàng mã là hủ tục chứ không phải phong tục, đã là hủ tục thì nên bỏ. Vàng mã làm từ giấy mà giấy phổ biến là từ nguyên liệu rừng, ngoài việc lãng phí còn ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn, nên có chủ trương cấm tuyệt đối từ sản xuất đến tiêu thụ", một ý kiến từ độc giả Hà Nguyễn.
Còn anh Phan Xuân Tiến cho rằng Nhà nước nên có các biện pháp mạnh tay hơn đối với các thói quen như đốt vàng mã hay rải vàng mã dọc đường. Dẫn chứng ví dụ của thành phố Đà Nẵng, độc giả này bình luận: "Điển hình ở Đà Nẵng thời Bí thư Nguyễn Bá Thanh đã có lệnh cấm rải tiền vàng mã dọc đường khi đám ma, cho đến nay ở Đà Nẵng vẫn thực hiện nghiêm lệnh này và coi đây là một việc bình thường, không thấy ai phản đối (Trái lại hầu hết người Đà Nẵng ủng hộ). Nếu Nhà nước ban hành lệnh cấm sản xuất, mua bán và đốt vàng mã, tôi tin chắc phải trên 80% người dân ủng hộ và chỉ thực hiện vài năm thôi thì 99,99% ủng hộ. Khó như cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm... còn làm được mà".
"Dân ta nổi tiếng mê tín và tham lam, tư tưởng mua thần bán phật, có kiêng có lành nó ăn quá sâu rồi. Từ ngày xưa chỉ đốt vài nhúm giấy, giờ chuyển qua đốt hẳn nhà tầng, xe máy, iPhone to đùng là hiểu rồi đấy. Cái này nó chỉ tổ ô nhiễm và lãng phí, chưa kể nguy hiểm nữa", độc giả Lê Ngọc bình luận gay gắt.
"Trần sao âm vậy là quan niệm sai lầm, người có suy nghĩ như vậy là không có thế giới quan khoa học", "Vàng mã thực ra rất bẩn, làm từ giấy bẩn, đưa lên ban thờ tổ tiên không phù hợp, nhà tôi không đốt vàng mã", "Tôi ủng hộ, chỉ nên đốt một ít, rất ít tượng trưng thôi"... nhiều ý kiến độc giả gửi về cũng bày tỏ sự đồng tình với tác giả Phạm Xuân Cần trong việc nên bỏ thói quen đốt vàng mã.
Trong khi đó, nhiều độc giả cho rằng với việc đốt vàng mã đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân Việt Nam, ban hành lệnh cấm đối với vấn đề này không phải điều đơn giản. Thay vào đó, cần có sự quản lý chặt chẽ hơn từ các cơ quan có thẩm quyền.
Đưa ra quan điểm cá nhân, độc giả Hiệp viết: "Không phải là cấm, mà là phải quản lý, phải có luật".
"Điều chỉnh hành vi người tiêu dùng bằng thuế là hữu hiệu nhất. Nên đánh thuế thật cao các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng và nên đưa vàng mã vào danh sách đó", chủ tài khoản Bon Như hiến kế để giảm thiểu thói quen đốt vàng mã.
"Đã gọi là phong tục, và trở thành một nét văn hóa độc đáo ăn sâu vào tiềm thức, hệ giá trị tâm linh rồi thì việc nói cấm, bỏ là chưa hợp nhẽ. Thay cho việc cấm bỏ, ta hãy tuyên truyền, giáo dục người dân ứng xử với nét văn hóa này sao cho đúng mà vẫn giữ được hoàn toàn ý nghĩa tâm linh, tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, thần phật", độc giả Quyen Nguyen phân tích.
Hoàng Linh (tổng hợp)