Sau tết nguyên đán, người dân khắp nơi lại nô nức du xuân, tìm về với lễ hội, các đền, chùa để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Thế nhưng thời gian gần đây, những dịch vụ mang màu sắc mê tín dị đoan đã và đang lợi dụng điều này để hoạt động mạnh tại các đền, chùa, lễ hội, thậm chí cả trong khu dân cư, làm xấu đi nét đẹp của tín ngưỡng văn hóa - tâm linh của người Việt.
Khu danh thắng Tây Thiên vào mùa lễ hội xuất hiện thêm nhiều cửa hàng bán hàng mã và các điểm viết sớ chữ Nho. Đáng nói, các “thầy” ở đây vừa viết sớ lại kiêm luôn nghề “bói toán” dưới hình thức: Xem tướng, xem chỉ tay, giải đáp lá số… Trong vai người đi lễ đầu năm, chúng tôi ghé vào bàn viết sớ của một người phụ nữ có tên Hiền ở đền Cô Chín, tỏ ý muốn viết lá sớ cầu sức khỏe, bình an. Miệng hỏi, tay viết thông tin lên tờ sớ, thỉnh thoảng mắt lại liếc ngang sang phía người của Ban quản lý khu di tích đang ngồi cách đó không xa, “thầy” Hiền thì thầm giới thiệu với chúng tôi rằng mình có thể xem tướng số, chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng sẽ biết được con đường công danh sự nghiệp, sức khỏe của tất cả các thành viên trong gia đình từ nay đến cuối đời. Tiếp đó, “thầy” lại phán câu xanh rờn: “Chồng con năm nay sao Thái Bạch chiếu mệnh - đây là sao xấu lắm. Nhưng không sao, chỉ cần “thầy” viết vào lá sớ, mua thêm tờ “Lệnh xe - thượng lộ bình an” và “công danh tài lộc” đã được trình xin ở “cửa cha” rồi dâng lễ nón, hoa tươi kêu lên cô Chín là mọi tai ương sẽ được hóa giải hết”. Thấy tôi tỏ ý sợ sệt và muốn làm lễ dâng sao giải hạn, “thầy” bảo: “Cứ đưa 300.000 đồng rồi về đi, sau 5 giờ chiều thầy sẽ vào đền cúng cho, chỉ cần để lại số điện thoại và các thông tin liên quan thôi. Cái này mình phải làm kín đáo vì có người của Ban quản lý ở đây”.
"Thầy" Hiền cho biết ngoài viết sớ còn kiêm luôn xem tướng số, đoán vận mệnh tương lai chỉ với 50.000 đồng/lần
Ngồi cách chúng tôi một bàn, người phụ nữ trung niên có dáng vẻ khá lam lũ cũng được thầy phán năm nay sẽ gặp nhiều tai ương, tốn tiền, tốn của, gia đình có người đau ốm, có tang ở xa… Sau đó “thầy” chốt một câu: “Hạn nặng nhưng chị yên tâm, tôi sẽ làm lá sớ cầu Mẫu và các thánh thần phù hộ cho chị tai qua nạn khỏi, gặp nhiều may mắn…”.
Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động xem bói núp bóng dưới các bàn viết sớ chữ Nho ở đây đang diễn ra khá phổ biến. Bất cứ khách hàng nào khi ngỏ ý muốn xem tướng số cũng được các thầy dặn trước: “Khi người Ban quản lý đến, cứ nói là đang viết sớ. Họ cấm không cho xem bói toán đâu nhưng thầy đã phán thì đúng lắm và đã kêu cầu, xin cho ai là được người ấy. Năm sau đến lại tìm thầy cảm ơn nhé!”.
Ở đền, chùa đã vậy, tại các khu dân cư ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng có khá nhiều điểm xem bói dưới nhiều hình thức: Bói bài Tây, lá trầu, chỉ tay, thậm chí có người cầm tay chỉ mặt cũng đọc được vận hạn với đa phần khách đến xem là phụ nữ, những người kinh doanh buôn bán. Tìm đến một số điểm xem bói được các bà, các chị giới thiệu, chúng tôi nhận thấy cách “xem” đều na ná nhau. Sau khi nói một vài câu đánh trúng tâm lý người xem, các “thầy” sẽ tiếp tục khai thác thêm thông tin về gia đình, công danh, làm ăn, mồ mả, đất đai… để giải đoán. Với các loại sách về xem tướng, đoán tuổi được bán trên thị trường hiện nay, các “thầy” chỉ việc học thuộc, kết hợp “khẩu khiếu” vừa đoán, vừa thăm dò thông tin từ gia chủ để phán, lợi dụng sự cả tin, mê tín của người xem để moi tiền. Gặp những gia đình có người bị "sao xấu" chiếu mệnh, tuổi hạn, thầy sẽ “gợi ý” để gia chủ nhẹ thì gửi vào cửa điện tốn vài ba triệu; nặng thì phải lập đàn, dâng sao, hình nhân thế mạng… tốn kém hàng chục triệu đồng mà vẫn nơm nớp lo sợ.
"Dâng sao giải hạn" cũng là việc được nhiều người dân thực hiện trong những ngày đầu năm, nhất là người được "thầy" phán là "căn cao quả nặng". “Dâng sao giải hạn” bắt nguồn từ tập tục cầu bình an thường diễn ra vào đầu năm mới ở phạm vi gia đình, mong muốn con cái, cháu chắt sẽ được yên ổn, khỏe mạnh trong năm. Nhà chùa cũng chỉ cúng sao giải hạn như một việc làm giúp giải tỏa tâm lý lo sợ, mong muốn tai qua nạn khỏi thông qua các nghi lễ đơn giản, đúng nghi thức. Tuy nhiên, hiện nay, không ít cá nhân lại tổ chức "dâng sao giải hạn" phức tạp, gây lãng phí. Nhiều người còn lợi dụng việc này để biến thành lễ cúng với quy mô lớn nhằm cầu xin tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức. Người có tiền thì sẵn sàng thuê cả gian điện với giá hàng chục triệu đồng, mời riêng pháp sư đến "giải hạn". Người ít tiền, không có "sao xấu" thì bỏ ra từ 200 - 500.000 đồng tìm đến dịch vụ "dâng sao giải hạn trọn gói" ở các chùa quanh khu vực mình sinh sống. Trong khi đó, qua tìm hiểu của phóng viên, trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, cũng không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như nhiều người lầm tưởng. Bởi theo kinh Phật, không có thần thánh nào gây vận hạn cho con người, tất cả là do con người tạo ra, gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, muốn được phúc thì phải làm phúc, không phải cứ cầu xin là được. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt - xấu…
Trên thực tế, nhận thức chưa đúng đắn về tín ngưỡng, tôn giáo và niềm tin mê muội vào các thế lực siêu nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến mê tín dị đoan. Đẩy lùi tệ này không phải là việc dễ dàng có thể thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng không thể không làm. Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước trong ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi mê tín, dị đoan hay lợi dụng mê tín, dị đoan gây tác động xấu đến xã hội, rất cần sự vào cuộc của mỗi người dân. Cùng với việc phối hợp với các ngành chức năng vạch trần thủ đoạn lừa bịp của các đối tượng "buôn thần, bán thánh", thầy tướng, thầy bói, cô đồng… hãy nhận thức rõ rằng mê tín, dị đoan là hiện tượng tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chỉ khi nào con người thay đổi tư tưởng, suy nghĩ, thói quen, không tiếp tay cho những hành vi mê tín dị đoan thì khi đó các tệ nạn này mới có thể được nhổ tận gốc.
Bích Phượng