TẢI FILE PDF
KHÁI NIỆM VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một xu thế chủ đạo trong sự phát triển tiến bộ khoa học và công nghệ của đời sống hàng ngày mọi quốc gia và dân tộc. Các ứng dụng đến từ trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và chuỗi khối ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại của chúng ta, tác động liên tục và đặt mọi thiết chế xã hội, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hội đoàn trước vận hội mới: tham gia tích cực hay đứng ngoài (và đồng nghĩa bị tụt hậu)?
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một tổ chức, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động và cung cấp các giá trị mới cho đối tác, khách hàng của tổ chức đó cũng như tăng tốc các hoạt động. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các tổ chức, đòi hỏi các tổ chức phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và sẵn sàng chấp nhận các thất bại.
Tại Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số đang trở nên quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà còn với các lĩnh vực khác, như y tế, giáo dục và cả trong thiết chế tôn giáo. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg năm 2022 lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm Số hóa (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng Số hóa là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số…). Trong khi đó, Chuyển đổi số là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem Số hóa như một phần của quá trình Chuyển đổi số.
Chính bởi vì chuyển đổi số đang ngày càng được ưa chuộng nên trong xu thế vận động của xã hội, bất kỳ tổ chức, tập hợp nào không tham gia tích cực vào quá trình này đều đối diện nguy cơ bị tụt hậu phát triển. Mặt khác, nếu chủ động và đề ra chiến lược phát triển phù hợp với xu thế chuyển đổi số, chúng ta có thể gặt hái được rất nhiều thành tựu.
THAM GIA VÀO CHUYỂN ĐỔI SỐ MANG LẠI LỢI ÍCH
Phật giáo du nhập vào nước ta đã hai thiên niên kỷ. Có thể nói, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc qua rất nhiều thời đại với nhiều khó khăn, thách thức. Với mỗi khúc quanh co của lịch sử, Đạo Phật đều tìm được lối thoát phát triển rất riêng, trên nền tảng của từ bi và trí huệ. Trong thời đại hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang nhập thế một cách tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, hoằng pháp đến truyền thông, quản lý tăng sự v.v.. Đó là do Phật giáo nước ta thừa hưởng tính uyên nguyên uyển chuyển từ truyền thống. Song, chúng ta cũng cần tận dụng lợi thế của tiến bộ khoa học và công nghệ vào sự phát triển của mình. Trong phạm vi bài viết này. chúng tôi cho rằng Phật giáo sẽ hưởng được một số lợi ích nếu tham gia vào quá trình chuyển đổi số từ hai mặt sau:
Về chính sách
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp, các tổ chức đặt nền tảng trên công nghệ số Việt Nam, sở hữu năng lực đi ra toàn cầu.
Phật giáo nước ta trong tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0 đang áp dụng bước đầu một số công nghệ mới, ví dụ tin học hóa Kinh điển, sách vở, giấy tờ hành chính, hoặc như trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nhiều tự, viện, ban, ngành đã tổ chức các buổi họp, hội thảo, giáo dục Phật pháp trực tuyến. Đó là sự khởi đầu thành công và cần được tiếp tục tiến hành thêm sâu sắc. Khi thực hiện chuyển đổi số là Phật giáo nước ta đang góp phần vào bước tiến chuyển đổi số quốc gia, được hưởng lợi từ sự tiến bộ nhanh chóng và đồng bộ với các cấu kiện khác của hệ thống chuyển đổi số: hạ tầng thông tin, nguồn vốn, nhân lực và thu hút tín đồ, quần chúng.
Về phương thức hoằng pháp
Hoằng pháp là hoạt động cơ bản trong đời sống Phật giáo ở nước ta. Tăng đoàn Phật giáo với bản thể thanh tịnh và hòa hiệp chú trọng công tác hoằng pháp để mang Phật đạo đến với mọi người, thổi gió giải thoát cùng khắp phương trời. Nhờ thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà trong đó chuyển đổi số là trọng tâm, phương thức hoằng pháp đang trên đà biến đổi sâu sắc.
Vào nửa sau của thế kỷ XX, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời với những phát minh mới về vệ tinh, máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và internet,… đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, tạo điều kiện cho các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa với việc sử dụng các phương tiện truyền giáo mới: “Phương tiện truyền giáo mềm”. Đó là việc truyền bá niềm tin tôn giáo bằng tư tưởng, văn hóa, học thuật, nghệ thuật với việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như kinh sách, đài phát thanh, truyền hình, radio, cassette, Internet.
Sang đến những thập niên gần đây, với sự ra đời của công nghệ điện toán đám mây, vạn vật kết nối và sự phát triển các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter,… phủ sóng toàn cầu, đã giúp con người kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi, làm cho thế giới càng trở nên phẳng và ảo hơn. Người ta có thể trò chuyện, tương tác với nhau, nhìn thấy nhau nhờ các thiết bị điện tử được nối mạng như tivi, máy tính, điện thoại thông minh (smartphone) chỉ trong giây lát. Lối chuộng sử dụng smartphone đã trở thành xu thế chính trong đời sống công nghệ và các hoạt động tôn giáo của Giáo hội ta đang từng bước cập nhật để thích nghi với công nghệ mới. Một mặt, Phật giáo đã bước đầu sử dụng phương thức hoằng pháp online, phát triển mạng xã hội Phật giáo, kênh truyền hình Phật giáo. Nhưng mặt khác, Phật giáo đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển đổi sâu sắc hơn: Liệu các sản phẩm văn hóa, thông tin-truyền thông của Phật giáo có cạnh tranh được với các sản phẩm văn hóa, thông tin-truyền thông thế tục? Bởi vì sự phát triển về chiều sâu của một kênh thông tin, một sản phẩm văn hóa đòi hỏi không chỉ áp dụng công nghệ hiện đại mà còn là vấn đề chất lượng. Chất lượng không hẳn đi đôi với số lượng song chất lượng là yếu tính tiên quyết để công chúng đón nhận và tin yêu giá trị văn hóa Phật giáo.
Tất nhiên chúng ta không chạy theo cách mù quáng với sự tiến triển của công nghệ và thời đại. Mọi hoạt động của Phật giáo vận hành trên nền tảng của Từ bi và Trí tuệ, nếu đắm trước vào các sản phẩm, các cạnh tranh hơn thua mà không chú trọng phần tinh túy - vị giải thoát, thì chúng ta đang đi trật khỏi đạo lộ giác ngộ mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy.
THAY ĐỔI TƯ DUY
Một yếu tố mà chúng tôi nghĩ đảm bảo cho công cuộc chuyển đổi số của Giáo hội thành công là thay đổi nhận thức chính mình về quá trình này. Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng khẳng định: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”.
Theo đó: Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Có lẽ lời dẫn trên khả dĩ giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng và tính cấp thiết của chuyển đổi số đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Thư ký Ban Thường trực HĐTS GHPGVN, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.